Tôi mắc chứng trầm cảm. Tôi chỉ muốn nằm lì trên giường. Mặc dù tôi cảm thấy mình chẳng xứng đáng để động viên, khích lệ bất cứ ai, tôi vẫn phải thực hiện một số buổi diễn thuyết đã được ấn định. Tôi sẽ không bao giờ quên những buổi diễn thuyết đó bởi vì chỉ nhờ có lòng từ tâm và sự bao dung của Chúa tôi mới có thể thực hiện được.
Có lần tôi đã khóc suốt hai tiếng đồng hồ trong tuyệt vọng ngay trước khi thực hiện một bài diễn thuyết. Một người bạn của tôi đã ở bên cạnh trong lúc tôi khóc và sau đó dự buổi diễn thuyết. Anh ấy nói đó là buổi diễn thuyết ấn tượng nhất mà tôi thực hiện! Tôi không tin lời anh nói cho tới khi tôi xem băng ghi hình buổi diễn thuyết. Tối hôm đó tôi đã không diễn thuyết bằng khả năng của mình; chính Chúa đã thực hiện việc đó.
Tôi cố gắng hoàn thành các bài diễn thuyết, nhưng ngày hôm sau nỗi thất vọng lại xâm lấn tôi. Tôi không thể ăn. Tôi không thể ngủ. Cảm giác lo âu gặm nhấm tôi ngày cũng như đêm. Tôi phát điên, các bạn ạ. Những điều kỳ cục đã xảy ra với tôi. Khi tôi còn nhỏ, tôi có thói quen cắn môi mỗi khi căng thẳng. Thói quen đó đã quay trở lại! Thế này là thế nào? Tôi trằn trọc suốt đêm và sáng ra tôi trở dậy với đôi môi sưng vù, sứt lở, với những vết sưng ở ngực và bụng.
Điều kỳ cục nhất là bốn, năm ngày trôi qua tôi cũng không buồn nghĩ đến việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện đã trở thành thói quen của tôi từ lâu. Vậy nên việc mất khả năng cầu nguyện khiến tôi hoảng sợ. Nhiều ngày trôi qua mà không một lời cầu nguyện nào được thốt ra qua đôi môi của tôi, và tôi lo lắng cho sự bất ổn của tâm hồn cũng như tình trạng thiếu tỉnh táo của mình.
Sự tê liệt tinh thần đã khiến tôi không thể quyết định được dù chỉ là những việc nhỏ. Thường thì mỗi ngày tôi có thể đưa ra hàng chục quyết định quan trọng liên quan đến các chương trình, các dự án và những việc khác. Trong thời gian khủng hoảng đó tôi thậm chí không thể quyết định liệu mình có nên ra khỏi giường, có nên cố gắng ăn uống hay không.
Tình trạng lờ đờ của tôi thật đáng xấu hổ, ấy là tôi đã nói giảm đi rồi đấy. Cứ như thể tôi đã trở thành một người khác. Một hôm, một nhóm nhân viên và những người làm hợp đồng cho công ty Attitude Is Altitude tập trung tại nhà tôi, và tôi nhận thấy mình đang cố giải thích sự thay đổi của bản thân.
“Nick mà các bạn từng biết, kẻ mơ mộng và người thành đạt vượt ngoài mong đợi, đã biến mất”, tôi nói với họ trong nước mắt. “Hắn tiêu đời rồi. Tôi xin lỗi đã làm các bạn thất vọng”. Ban đầu những người thân thiết nhất của tôi – cha mẹ tôi, em trai, em gái tôi, các bạn của tôi, những cố vấn của tôi – đã cố gắng hết sức để an ủi tôi, rồi sau đó, khi tôi tiếp tục chìm trong tuyệt vọng, họ tập trung quanh tôi, cố làm cho tôi tỉnh táo trở lại.
Họ ôm tôi, ôm chặt, và an ủi, động viên tôi. Các mục sư trong đội ngũ nhân viên của tôi rất tốt bụng, vẫn cho tôi có được không gian riêng nhưng đồng thời chia sẻ với tôi những chuyện hài hước, những nụ cười, những cái ôm chân tình để khích lệ tôi. Họ nhắc lại những câu nói của chính tôi cho tôi nghe. “Nick, anh luôn nói nếu lạc quan nhìn về phía trước thì có thể đứng dậy sau thất bại. Hãy xem những DVD và video của anh và nhắc bản thân anh nhớ những điều mà anh đã biết rõ rồi!”.“Anh có thể học được một bài học từ chính thất bại này. Anh sẽ vượt qua được thách thức này, và anh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước.”
Thật kỳ cục khi phải nghe người khác trích dẫn những câu nói của chính mình để khích lệ tinh thần cho mình. Và họ đã đúng. Tôi chỉ cần nhắc mình nhớ những điều mà tôi luôn nói với người khác. Tôi là một tấm gương cho những người đã đánh mất niềm tin trong hành động. Sự hối hận và xấu hổ của tôi về những khó khăn tài chính của công ty đã khiến tôi nghi ngờ giá trị, mục đích và con đường của mình. Tôi không nghi ngờ sự toàn thiện của Chúa. Tôi chỉ không thể sử dụng hệ thống niềm tin của mình do quá thất vọng.
Một người khác đã cố giúp tôi trong giai đoạn đó là một người bạn ở Dallas, Tiến sĩ Raymund King, người vừa là luật sư vừa là bác sĩ. Ông ấy đã thu xếp để tôi diễn thuyết tại một cuộc hội thảo về y học, và tôi không muốn làm ông thất vọng. Nhưng khi tôi đến, ông nhận ra tôi đang ở trong tình trạng mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất.
“Cậu cần phải chăm sóc bản thân mình trước đã”, ông nói. “Không có sức khỏe, cậu sẽ mất tất cả những gì cậu đã nỗ lực phấn đấu để đạt được.” Rất ân cần, ông dẫn tôi ra một chỗ và khuyên tôi nên xác định rõ những gì mình cần ưu tiên, sau đó ông cầu nguyện cùng tôi, ôm tôi. Tôi đã phải cố gắng lắm mới đến đó được, nhưng những lời ân cần của Tiến sĩ King đã tác động sâu sắc đến tôi. Đó có thể là những lời nói có tác dụng động viên tinh thần hiệu quả nhất mà tôi từng nhận được. Những lời nói ấy luôn ở bên tôi bởi vì rõ ràng ông quan tâm, lo lắng cho tôi.
Cuộc nói chuyện ngắn ngủi đó làm tôi nhớ đến những lời mà cha tôi đã nói với tôi khi tôi mới sáu tuổi. Hồi đó tôi có xu hướng hiếu động và thường quăng cái thân thể bất bình thường của mình tới hết chỗ này đến chỗ khác. Một đứa bạn đưa cho tôi một quả chuối và thế là tôi ngồi trên xe lăn cùng nó đi lung tung làm trò cười. Tôi rướn người về phía trước nhai chuối như một con khỉ, và trong khi làm trò tôi bị ngã lộn khỏi xe, đầu đập mạnh xuống đất đến nỗi tôi ngất đi trong chốc lát.
Sự lo lắng của cha tôi thật cảm động, và tôi không bao giờ quên những lời ông nói với tôi khi đó: “Con trai ơi, lúc nào con cũng có thể có được một quả chuối khác, nhưng cha mẹ thì không thể có được một Nicky khác đâu, vậy nên con cần phải cẩn thận hơn”.
Giống như cha tôi, Tiến sĩ King thúc giục tôi xem xét lại các hành động tôi thực hiện và tác động của chúng lên cuộc sống của tôi. Tôi đang lái mình đi bởi vì tôi nghĩ sự thành công trong mọi nỗ lực của tôi phụ thuộc vào bản thân tôi; trong khi đáng lẽ ra tôi phải tin tưởng ở Chúa và dựa vào sức mạnh, ý muốn và sự sắp xếp thời gian của Người nhiều hơn. Sự thiếu khiêm nhường và thiếu đức tin đã dẫn tôi đến thất bại này và khiến tôi đánh mất niềm vui của cuộc sống trong một thời gian.
Tôi bắt đầu coi những buổi diễn thuyết đã được sắp xếp như một nhiệm vụ hơn là mục đích của mình. Bởi vì tôi sợ mình sẽ không thể mang đến những gì mà các sinh viên gặp thách thức đang cần, thậm chí tôi từ chối lời mời diễn thuyết tại một trường trung học từng có học sinh tự vẫn. Tôi khóc sau khi từ chối cơ hội đó bởi vì diễn thuyết là niềm đam mê của tôi và việc giúp đỡ người khác là nguồn vui của tôi.
Bài học được tiết lộ
Tôi ước gì mình có thể kể với các bạn rằng một buổi sáng tôi thức dậy, cảm thấy đầu óc mình sáng suốt, tinh thần phơi phới, và tôi nhảy ra khỏi giường, thông báo: “Tôi đã trở lại!”. Rất tiếc mọi chuyện với tôi đã không xảy ra theo cách đó, và nếu bạn trải qua một giai đoạn khủng hoảng như tôi, có lẽ bạn cũng sẽ không hồi phục một cách bất ngờ và nhanh chóng như vậy được. Bạn nên biết rằng những ngày tốt đẹp hơn đang đợi bạn ở phía trước và rồi khó khăn cũng sẽ qua.
Quá trình phục hồi của tôi diễn ra từ từ, theo từng ngày, từng ngày, trong vài tháng. Tôi hy vọng sự phục hồi của bạn diễn ra nhanh hơn, nhưng sự phục hồi dần dần cũng có những cái lợi nhất định. Khi màn sương của sự tuyệt vọng dần dần mỏng đi, tôi cảm thấy biết ơn trước mỗi tia sáng xuyên qua màn sương đó. Hơn thế, khi đầu óc tôi bắt đầu thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực, tôi thực sự cảm kích vì đã có được một khoảng thời gian để suy ngẫm về cú lao xuống vực của mình.
Khỏi phải nói, ai cũng biết rằng đặt niềm tin vào hành động không phải là một việc thụ động. Bạn phải thực hiện những bước cần thiết một cách tích cực và đầy quyết tâm để xác định con đường mà cuộc sống yêu cầu ở bạn và tiến lên trên con đường đó. Khi bạn vấp ngã trên con đường của mình, như tôi đã ngã, bạn phải tự hỏi điều gì đã xảy ra, tại sao nó lại xảy ra, và bạn cần phải làm gì để lại tiếp tục hành trình của niềm tin và mục đích.
Những lúc tăm tối nhất, những thời điểm thử thách niềm tin của bạn, có thể là những thời điểm tốt nhất để làm mới niềm tin và biến niềm tin thành hành động.Một huấn luyện viên bóng đá giỏi đã từng nói với tôi rằng ông coi trọng thất bại giống như coi trọng chiến thắng, bởi vì thất bại cho chúng ta thấy những điểm yếu và những khuyết điểm đã tồn tại bấy lâu nay, những khuyết điểm cần được xác định nếu đội bóng muốn đạt được thành công bền vững.
Những thất bại cũng thúc đẩy các cầu thủ của ông nỗ lực rèn luyện những kỹ năng mà họ cần phải rèn luyện để chiến thắng. Khi cuộc sống của bạn diễn ra tốt đẹp, xu hướng tự nhiên của bạn là không dừng lại, không xem xét, đánh giá nó. Hầu hết chúng ta chỉ dành thời gian xem xét lại cuộc sống, sự nghiệp, các mối quan hệ của mình khi chúng ta không có được kết quả như mong muốn.Trong mỗi thất bại đều có những bài học giá trị mà chúng ta cần phải học, thậm chí trong mỗi thất bại đều có những cánh cửa may mắn mở ra.
Trong những ngày đầu rơi vào tuyệt vọng do tình trạng nợ nần của công ty, tôi thực sự không có tâm trạng để tìm kiếm những bài học. Nhưng theo thời gian, những bài học đã mở ra với tôi, và những may mắn cũng đến cùng. Tôi không thích hồi tưởng lại giai đoạn đó, nhưng tôi buộc mình phải ngẫm nghĩ về nó bởi vì cứ mỗi lần quay trở lại “thăm” nó là tôi lại thấy những tầng ý nghĩa mới mở ra và thấy thêm những bài học được tiết lộ.
Tôi khuyến khích bạn tìm kiếm những bài học trong mỗi thách thức của chính mình. Bạn có thể có xu hướng bỏ qua những chuyện không may xảy ra với mình, cố quên chúng đi. Không ai thích cái cảm giác bị tổn thương cả. Rõ ràng chẳng vui vẻ gì khi nhớ lại mình đã chìm đắm trong đau khổ như thế nào, đã nuôi cảm giác nuối tiếc và đã phản ứng thái quá trước một thất bại tạm thời ra sao.
Tuy nhiên, một trong những cách tốt nhất để dẹp bỏ những đau khổ của trải nghiệm trong quá khứ là thay thế nó bằng lòng biết ơn. Kinh Thánh đã nói với chúng ta rằng “mọi sự xảy ra cuối cùng đều vì điều tốt đẹp dành cho những người yêu thương Chúa, những người phụng sự mục đích của Chúa”.
Chú của tôi, Batta Vujicic, người đã phải đương đầu với những thách thức lớn trong việc kinh doanh địa ốc, đã nhiều lần giúp đỡ tôi bằng cách nhắc lại câu châm ngôn về niềm tin của ông: “Tất cả đều tích cực”. Các em họ của tôi “biến tấu” câu nói đó thành: “Mọi sự đều hoàn hảo!”.
Sự nhận thức không sát với thực tế
Trong thất bại mà tôi đã trải nghiệm, có thể bạn sẽ nhận ra một điều gì đó cần lưu ý cho những thử thách của chính bạn. Khi sự căng thẳng làm cho những vết thương cũ tái phát, khiến những nỗi bất an cũ trỗi dậy, tôi nhìn nhận những gì xảy ra tồi tệ hơn nhiều so với thực tế. Những dấu hiệu cho thấy phản ứng của bạn quá mức cần thiết là việc sử dụng những kiểu miêu tả có tính chất cường điệu và thổi phồng, chẳng hạn như:
Chuyện này giết mình chết mất.
Mình sẽ không bao giờ gượng dậy nổi sau thất bại này!
Đây thực sự là điều tồi tệ nhất xảy ra với mình.
Tại sao Chúa lại ghét bỏ tôi chứ?
Và luôn có cách nghĩ phổ biến này: Cuộc đời mình đã bị hủy hoại – mãi mãi!
Tôi sẽ không thú nhận rằng mình đã nói những điều ngớ ngẩn đó trong quãng thời gian sầu khổ gần đây, nhưng một số người sống bên tôi có lẽ đã nghĩ họ nghe thấy những lời than vãn tương tự như vậy (hoặc tệ hơn!).
Một lần nữa tôi cảm thấy thật vinh dự được cung cấp cho bạn một ví dụ thuyết phục về một tấm gương tồi qua việc kể về phản ứng của tôi trong giai đoạn khó khăn ấy. Kiểu sử dụng ngôn ngữ cường điệu đó lẽ ra phải được coi như một sự cảnh báo rằng sự thất vọng, chán nản của tôi là thái quá.
Và đây là nhận thức của tôi về những gì xảy ra: Mình là một kẻ thất bại! Mình sắp phá sản! Những điều mình sợ hãi nhất đã xảy ra! Mình không thể tự lo cho mình được nữa! Mình là gánh nặng cho cha mẹ! Mình không đáng được yêu thương!
Đây là thực tế đã xảy ra: Công ty của tôi đang trải qua một khó khăn ngắn hạn về tài chính trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Chúng tôi nợ năm mươi nghìn đô la, và điều đó không tốt đẹp gì. Nhưng, căn cứ vào triển vọng về nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm và dịch vụ của công ty trên khắp thế giới, chắc chắn đó không phải là một sự thiếu hụt không thể khắc phục được. Tôi từng học ngành kế toán và hoạch định tài chính ở trường đại học, và kinh tế là một phần của chương trình đào tạo ở đó. Tôi biết về các vấn đề cung, cầu, về lưu chuyển tiền tệ, nhưng những kiến thức đó đã bị che phủ bởi những cảm xúc tiêu cực mà tôi cảm thấy khi đó.
Có thể bạn cũng đã trải nghiệm cảm giác bị nhấn chìm, mặc dù tình hình thực tế không tồi tệ như bạn tưởng. Tầm nhìn của chúng ta có thể bị những cảm giác tiêu cực làm cho yếu kém, hạn hẹp, và trong nỗi thất vọng tràn trề, thật khó để nhìn nhận các sự việc theo đúng thực tế.
Duy trì khả năng đánh giá sự việc một cách khách quan
Một trong những bài học mà tôi đã học được là chúng ta phải nhìn nhận sự việc theo đúng thực tế, ngay cả khi bạn đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Sợ hãi đẻ ra sợ hãi và lo lắng làm nảy sinh lo lắng. Bạn không thể gạt bỏ cảm giác đau khổ, ăn năn, ân hận, tức giận và sợ hãi tràn ngập trong lòng vào những thời điểm khó khăn, nhưng bạn có thể nhận ra đó chỉ là những phản ứng cảm xúc thuần túy, và bạn có thể kiểm soát để chúng không điều khiển hành động của bạn.
Việc duy trì cái nhìn khách quan đòi hỏi sự chín chắn, và sự chín chắn có được là nhờ kinh nghiệm. Tôi chưa bao giờ trải qua hoàn cảnh này, và vì tôi mệt mỏi về mặt thể chất do đi đây đi đó liên miên nên tôi gặp khó khăn trong việc kiểm soát trạng thái khủng hoảng của mình một cách chín chắn.
Cha tôi, các thành viên khác của gia đình, những người bạn lớn tuổi hiểu biết và sáng suốt của tôi đã cố gắng giúp đỡ tôi bằng cách kể cho tôi nghe họ đã trải qua những hoàn cảnh tương tự, thậm chí những hoàn cảnh tồi tệ hơn như thế nào và đã vượt qua hoàn cảnh đó ra sao. Như tôi đã kể, Batta, chú của tôi kinh doanh địa ốc ở California. Bạn có thể hình dung ra những thăng trầm mà chú ấy đã từng trải qua. Mức thâm hụt năm mươi nghìn USD chỉ là một khoản nhỏ trong doanh nghiệp của chú ấy, và chú cố gắng nói với tôi rằng đó không phải là một khoản nợ khiến chúng tôi lụn bại.
Tuy nhiên, dù tôi học được nhiều điều bổ ích từ những lời khuyên và từ những sai lầm của người khác, trong một thời gian rất dài tôi dường như cần phải nếm trải những sai lầm của chính mình thì mới học được những bài học xương máu và trở nên khôn ngoan hơn. Giờ đây tôi quyết tâm trở thành một học trò siêng học.
Nếu bạn và tôi có thể học được dù chỉ một bài học từ mỗi người mà chúng ta biết, thì chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan đến mức nào nhỉ? Chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền bạc, nỗ lực và thời gian? Khi những người thân và bạn bè của chúng ta đưa ra lời khuyên, tại sao chúng ta lại không thể nghe theo lời khuyên của họ, không tiếp thu những bài học và thực hiện những điều chỉnh cần thiết?
Bạn chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng khi nghĩ rằng bạn phải khắc phục, hàn gắn mọi thứ ngay lập tức! Thực ra, một số cuộc khủng hoảng đòi hỏi bạn hành động ngay tức thì, nhưng hành động có thể bao gồm cách giải quyết vấn đề từng bước, từng bước một. Một thành viên trong ban cố vấn của tôi đã có lần chỉ rõ điều này khi ông nói: “Nick, cậu có biết cách tốt nhất để ăn cả một con voi không? Hãy ăn từng miếng, từng miếng một”.
Đón đọc kỳ 5: Hãy khiêm tốn
Post a Comment Blogger Facebook